Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2024

Kết nối doanh nghiệp cùng phát triển

 Ngày 27/9/2024, Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, Hội Doanh nghiệp quận Bình Thạnh phối hợp tổ chức hội nghị tọa đàm huy động vốn, sử dụng nguồn vốn huy động hiệu quả. 

Tham dự có đồng chí Thái Thị Hồng Nga, UVBTV Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận; các ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM; Trần Hoàng, Tổng biên tập Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn; Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn; Nguyễn Tu Mi, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận; các diễn giả tiến sĩ Lê Thị Thúy Loan, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Loan Lê; tiến sĩ Phạm Linh, Phó tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Á; thạc sĩ Ngô Thành Huấn, thành viên Hội đồng chuyên gia tại Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam cùng trên 200 doanh nghiệp… 

Tại hội nghị, các hội viên được nghe các diễn giả phân tích, tư vấn việc huy động, sử dụng nguồn vốn huy động hiệu quả; nhận định tình hình kinh tế năm 2024 và quản lý hiệu quả nguồn vốn vay; định hình chuỗi giá trị toàn cầu của Mỹ và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam…

Dịp này, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn và Hội Doanh nghiệp quận Bình Thạnh ký kết hợp tác tăng cường truyền thông, kết nối kinh doanh và xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp thành viên; cùng tổ chức chương trình Caravan kết hợp từ thiện, xúc tiến thương mại tại một tỉnh ngoài Thành phố Hồ Chí Minh. 

Chương trình tạo cơ hội cho các doanh nghiệp kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác; nâng cao kiến thức pháp lý, tránh các rủi ro tiềm ẩn, xây dựng một nền tảng vững chắc trong hoạt động kinh doanh; cung cấp các giải pháp tăng cường hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 HOÀNG QUÂN

Hội doanh nghiệp quận và Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn ký kết hợp tác  kết nối kinh doanh và xúc tiến thương mại. (Ảnh: MH)
Hội doanh nghiệp quận và Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn ký kết hợp tác kết nối kinh doanh
và xúc tiến thương mại.
(Ảnh: MH)

Hội nghị phản biện dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm

  Ngày 27/9/2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi bị thu hồi đất để thực hiện dự án nạo vét, cải tạo, xây dựng hạ tầng kỹ thuật rạch Xuyên Tâm (gọi tắt là phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư). 

Tham dự có ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường thành phố; các đồng chí Nguyễn Văn Cảnh, UVBTV Quận ủy, Trưởng Ban Dân vận; Nguyễn Thu Hương, UVBTV Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận; Hồ Phương, QUV, Phó Chủ tịch UBND quận; đại diện lãnh đạo phòng ban chuyên môn UBND quận, các tổ chức chính trị - xã hội quận; Ban Thường trực, Ban Tư vấn, Tổ tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Văn hóa - Xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, phường; 70 đại biểu là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các Phường 2, 11, 12, 13, 15, 24, 26; các vị trí thức, chuyên gia trên lĩnh vực bồi thường giải phóng mặt bằng, văn hóa xã hội, thuế, quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, quản lý dự án. 

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TC)
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TC)

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đi qua địa bàn 2 quận (Bình Thạnh và Gò Vấp). Trong đó, quận Bình Thạnh có quy mô thu hồi đất là 537.187,1m², với 2.077 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó 824 trường hợp giải tỏa một phần và 1.253 trường hợp giải tỏa toàn phần. 

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phát biểu đóng góp nhiều ý kiến về văn bản dự thảo trên như: cơ sở pháp lý xây dựng phương án; sự cần thiết ban hành phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giá và căn cứ xây dựng giá đền bù, giá căn hộ tái định cư, vị trí căn hộ tái định cư; các chính sách hỗ trợ, vay vốn, giải quyết việc làm; thời gian tổ chức thực hiện phương án bồi thường... 

Ông Đỗ Phi Hùng, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố cho rằng việc ban hành phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với dự án này là rất cần thiết. Tuy nhiên trong dự thảo có căn cứ 45 văn bản của các cấp, trong đó có 5 nghị định của Chính phủ được ban hành trước Luật Đất đai 2024. Đề nghị UBND quận chờ Chính phủ và UBND thành phố ban hành các văn bản thực hiện theo Luật Đất đai mới để bổ sung vào trong dự thảo. Ngoài ra, ông Hùng còn chỉ ra trong dự thảo có 21 nội dung ghi “chờ các văn bản, quy định, sẽ bổ sung sau”; điều này làm tính chuẩn mực, tính khoa học, rõ ràng của dự thảo chưa cao. Mặt khác, trong dự thảo đang áp dụng giá đất đền bù theo bảng giá đất của thành phố quy định từ năm 2020 nhưng bảng giá đất mới của thành phố sẽ có vào đầu năm 2025, bảng giá mới có thể sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với hiện tại. Như vậy dự thảo này nếu ban hành trong năm 2024, thì đầu năm 2025 có phải điều chỉnh hay không? Việc này cần được cơ quan soạn thảo cân nhắc, làm rõ để bảo đảm quyền lợi người dân. 

Hay như ông Nguyễn Minh Hùng, thành viên Ban Tư vấn Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam quận cho rằng bảng giá đất đền bù, bảng giá căn hộ tái định cư còn sơ sài, chưa cụ thể; đặc biệt có trường hợp cùng tuyến đường cách nhau cây cầu nhưng phường này giá khác, phường kia giá khác. Đề xuất trong dự thảo nêu rõ phương pháp xây dựng giá đất đền bù. 

 Ông Phan Hữu Chính, Chủ tịch Hội Luật gia quận, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân quận cũng đề nghị trong dự thảo cần xem xét tính phần trượt giá bồi thường vì thực tế từ khi công bố chính sách đền bù đến khi nhận tiền, bàn giao mặt bằng mất nhiều tháng, có khi cả năm. Để hạn chế tình trạng khiếu nại thì yếu tố “trượt giá” nên đưa vào chính sách đền bù, tái định cư. 

Một số đại biểu là bí thư các chi bộ khu phố có ranh trong dự án cũng tham gia phản biện, đặc biệt là đề xuất giá đất tính đền bù trong dự thảo cần tăng thêm 25 - 30% so với dự thảo; giá bán căn hộ chung cư cho tái định cư cần giảm 10 - 15% so với dự thảo. Vì cho rằng mức giá trong dự thảo còn thấp nhiều so với thị trường. 

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị phản biện xã hội. (Ảnh: T. Thật)
Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị phản biện xã hội. (Ảnh: T. Thật)

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hồ Phương, Phó Chủ tịch UBND quận thông tin trong phương án, quận có đặt hàng với một đơn vị tư nhân về xây dựng căn hộ tái định cư, quận sẽ ghi nhận các giải pháp liên kết với đơn vị này và các ngân hàng thương mại để có chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng vay vốn mua căn hộ tái định cư. Phó Chủ tịch UBND quận cũng tiếp thu và giao cơ quan tham mưu dự thảo phương án bổ sung vào phần cơ sở pháp lý các văn bản Quyết định 66/2024/QĐ-UBND của UBND thành phố ban hành quyết định ban hành bảng giá nhà ở, công trình, vật kiến trúc xây dựng mới phần xây dựng công trình trên địa bàn TPHCM và Quyết định 68/2024/QĐ-UBND của UBND thành phố ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TPHCM. Đồng thời ghi nhận các ý kiến của đại biểu, sẽ có điều chỉnh, bổ sung dự thảo phương án trong thời gian sớm nhất để đảm bảo tiến độ bàn giao đất thi công dự án vào tháng 4/2025.

 THÀNH THẬT

Tăng cường tạo miễn dịch cộng đồng phòng bệnh sởi

 Ngày 23/8/2024, Ủy ban nhân dân quận ban hành văn bản chỉ đạo các biện pháp tăng cường tạo miễn dịch cộng đồng phòng bệnh sởi cho trẻ thuộc nhóm nguy cơ. 

UBND quận chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện việc chủ động phòng, chống bệnh sởi năm 2024 theo Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế. Đồng thời, giao Phòng Y tế quận triển khai đến các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn quận về công tác phòng, chống bệnh sởi. Trong quá trình thực hiện khám bệnh và điều trị cần khai thác tiền sử tiêm vắc xin phòng bệnh sởi của trẻ, ghi chép vào sổ hồ sơ bệnh án và tư vấn, hướng dẫn phụ huynh, người giám hộ đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm bù, tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi. 

Đối với Trung tâm Y tế, Bệnh viện quận và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quận khi khám bệnh và điều trị cần khai thác tiền sử tiêm vắc xin phòng bệnh sởi của trẻ, ghi chép vào hồ sơ bệnh án và tư vấn, hướng dẫn phụ huynh, người giám hộ đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm bù, tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi. Đồng thời, lập danh sách trẻ bị bệnh mạn tính, bệnh nền đang được đơn vị quản lý và tư vấn tiêm chủng; tuân thủ nghiêm kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện. Đối với các trường hợp trẻ thuộc nhóm nguy cơ bị phơi nhiễm sởi trong thời gian nằm viện do có tiếp xúc với người mắc bệnh sởi cần điều trị dự phòng sau phơi nhiễm ngay bằng Immune Globulin. 

 Phòng Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo Ban Giám hiệu các trường mầm non, nhóm trẻ trên địa bàn lập danh sách tất cả các trẻ từ 1 đến 5 tuổi đang học tại trường và thu thập thông tin tiêm chủng, tổng hợp danh sách tiêm chủng của trẻ; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cần yêu cầu các cơ sở nuôi dưỡng trẻ thu thập và tổng hợp danh sách tiêm chủng của trẻ, gửi về Trạm Y tế phường trước ngày 10/9/2024. 

Đối với UBND các phường cần chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, cộng tác viên sức khỏe cộng đồng tăng cường vận động phụ huynh đưa các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc tiêm chưa đủ mũi đến các điểm tiêm trên địa bàn để được tiêm bù, gồm cả trường hợp trẻ mắc bệnh mạn tính mà không có chống chỉ định tiêm vắc - xin. Rà soát, lập danh sách và tiền sử tiêm vắc xin có thành phần sởi, vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván của tất cả các trẻ từ 1 đến 5 tuổi hiện sinh sống trên địa bàn, đặc biệt chú ý trẻ tại các mái ấm, cơ sở bảo trợ và gửi về Trạm Y tế phường để bảo đảm chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin đạt hiệu quả.

 HOÀNG QUÂN

Tuyên truyền phòng, ngừa bệnh sởi

  Ngày 14/9/2024, Chi đoàn cơ quan Quận Đoàn phối hợp Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Phường 17 ra quân thực hiện công tác tuyên truyền phòng ngừa bệnh sởi tại Chung cư 86/1 Phan Văn Hân, Phường 17.

 Dịp này, lực lượng cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên 2 đơn vị đã thực hiện dán 4 áp phích tại lớp học người Chăm và các bảng thông tin của Chung cư 86/1 đường Phan Văn Hân, đồng thời phát hơn 100 tờ gấp tuyên truyền phòng, ngừa bệnh sởi đến các hộ dân sinh sống tại Khu phố 9, Phường 17.

 BẢO LINH

Hội thi tìm hiểu về vấn đề già hóa dân số và kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

 Ngày 02/10/2024, tại quận Bình Thạnh, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Ban đại diện Hội Người cao tuổi TPHCM phối hợp tổ chức hội thi tìm hiểu về vấn đề già hóa dân số và kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. 

Tham dự có các đồng chí Phạm Chánh Trung, Chi Cục trưởng, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Trần Hoàng Thùy Trang, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi TPHCM; đại diện lãnh đạo Phòng Y tế, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Văn hóa, Hội Người cao tuổi quận và 20 phường. 

Phát biểu khai mạc hội thi, đồng chí Phạm Chánh Trung nhấn mạnh: Thời gian qua, ngành y tế đã không ngừng củng cố, cải thiện, phát triển hệ thống cung cấp chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh dành cho người cao tuổi theo định hướng ưu tiên, thuận tiện, sẵn có và dễ tiếp cận. Xây dựng, phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng thông qua hoạt động của Câu lạc bộ Người cao tuổi giúp người cao tuổi và Tổ tình nguyện viên tham gia chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, già yếu, neo đơn tại cộng đồng. Hội thi với thành phần nòng cốt là các thành viên của Câu lạc bộ và Tổ tình nguyện viên là sự khẳng định đúng đắn cho việc hình thành mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng. 

Có 7 đơn vị đến từ các Câu lạc bộ Người cao tuổi giúp người cao tuổi trên địa bàn quận tham gia dự thi 3 vòng: trắc nghiệm; xử lý tình huống về kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và biểu diễn năng khiếu chủ đề: Ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, truyền thống cách mạng của địa phương.

Kết quả, Ban tổ chức trao giải nhất Hội Người cao tuổi Phường 25, giải nhì Hội Người cao tuổi Phường 24, giải ba Hội Người cao tuổi Phường 11; giải khuyến khích Hội người cao tuổi Phường 15, 19, 22 và 27. 

Qua hội thi, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thành viên người cao tuổi tham gia các hoạt động giao lưu, gặp gỡ, nâng cao đời sống tinh thần, góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. Đồng thời, động viên người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích, khuyến khích người cao tuổi đoàn kết, phát huy vai trò, góp phần xây dựng Câu lạc bộ Người cao tuổi giúp người cao tuổi ngày càng vững mạnh.

 HOÀNG QUÂN

Hội Người cao tuổi Phường 25 tham gia phần thi xử lý tình huống về kiến thức,  kỹ năng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. (Ảnh: MH)
Hội Người cao tuổi Phường 25 tham gia phần thi xử lý tình huống về kiến thức,
 kỹ năng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
(Ảnh: MH)

Triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi

 Ngày 06/9/2024, Ủy ban nhân dân quận triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi.

 Để đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, quận triển khai tiêm vắc xin phòng, chống dịch sởi. Giai đoạn 1 từ ngày 31/8 đến 04/9/2024 tại Trạm Y tế các phường trên địa bàn quận; các cơ sở nuôi dưỡng, cơ sở bảo trợ xã hội, mái ấm, nhà mở; các cơ sở giáo dục; Bệnh viện quận. Đối tượng tiêm chủng là trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi; trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao (từ 6 tuổi đến 16 tuổi) chưa được tiêm đủ mũi đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quận; nhân viên y tế, người chăm sóc trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao, người làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có nguy cơ tiếp xúc người mắc sởi nhưng chưa được tiêm đủ mũi. Giai đoạn 2, từ ngày 01/10 đến 31/10/2024, tiêm cho các trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi chưa được tiêm, những đối tượng còn sót lại ở giai đoạn 1 chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi theo quy định. 

Loại vắc xin sử dụng là vắc xin phối hợp phòng bệnh sởi - Rubella (MR) do Bộ Y tế cấp. 

Qua đó, quận phấn đấu đạt tỷ lệ 95% người thuộc nhóm đối tượng tiêm chủng trong chiến dịch được tiêm 1 mũi vắc xin phòng bệnh sởi. Đồng thời, đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

 HOÀNG QUÂN

Tổ chức khám sức khỏe

 Ngày 17/9/2024, Ban chỉ đạo Dân số và Phát triển, Trạm y tế Phường 6 phối hợp tổ chức khám sức khỏe cho gần 50 học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc. 

Các em học sinh được kiểm tra sức khỏe tổng quát nhằm phát hiện các bệnh thuộc nhóm bệnh học đường như: tật khúc xạ mắt, tật gù vẹo cột sống và các bệnh liên quan đến tai - mũi - họng. Ngoài ra, các em còn được tư vấn về suy dinh dưỡng, béo phì, chăm sóc răng miệng... 

Qua đó, phát hiện sớm những bệnh thông thường ở học sinh; giúp các em phòng ngừa được bệnh tật và đảm bảo sức khỏe để học tập. 

HỮU HÙNG

Bài viết nổi bật trong tháng

Bàn giao công trình sửa chữa nhà

 Ngày 21/10/2024, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 14 tổ chức lễ bàn giao công trình sửa chữa nhà cho hộ bà Nguyễn ...

Bài viết phổ biến