• NGỌC HẰNG
Kể từ Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 16/02/1947 “chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ” đến nay hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được nghiên cứu xây dựng, ban hành tương đối toàn diện, đầy đủ, kịp thời, góp phần cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân. Tiếp đó, ngày 27/7/1947 - Ngày Thương binh toàn quốc được mở đầu bằng cuộc mít tinh lớn tổ chức tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng, Nhà nước ta càng quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Từ tháng 7/1955, Ngày Thương binh toàn quốc được đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Đây là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh. Biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Các thế hệ người Việt Nam mãi mãi khắc ghi những chiến công hào hùng, sự hy sinh oanh liệt, cống hiến to lớn của đồng bào, chiến sĩ cả nước vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân.
Để đền đáp, tôn vinh sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng, thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc.
Những năm qua, tại quận Bình Thạnh các cấp ủy Đảng, chính quyền quận luôn đặc biệt quan tâm thực hiện tốt các chế độ theo quy định của Nhà nước đối với các diện chính sách có công. Trong năm 2022, quận chuyển Sở Lao động - Thương binh và Xã hội những hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách theo Pháp lệnh người có công, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, mai táng phí... Bên cạnh đó, cấp thẻ bảo hiểm cho diện chính sách có công... Song song đó, hoạt động chăm sóc người có công ngày càng được quan tâm, có sức lan tỏa rộng, được cộng đồng xã hội tích cực hưởng ứng. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được đẩy mạnh, trợ cấp khó khăn đột xuất, cấp kinh phí sửa chữa, xây dựng nhà tình nghĩa; tổ chức đưa 50 người thuộc diện có công với cách mạng đi điều dưỡng tại Đà Nẵng. Vào dịp Tết Nguyên đán năm 2023, Quận ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận tổ chức các đoàn đến thăm, chúc Tết và tặng quà cho các diện chính sách có công, Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang là thương binh, cán bộ tiền khởi nghĩa là thương binh, diện chính sách có công là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, gia đình chính sách có công tiêu biểu....
Những hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” vừa nêu đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình người có công vơi bớt đau thương, mất mát; đồng thời giúp cho mọi người nhận thức sâu sắc luôn tri ân những công lao to lớn của các anh hùng - liệt sĩ và những người có công với nước; từ đó biến những tình cảm tốt đẹp thành hành động thiết thực, góp phần thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.■
Phường 19 trao nhà tình thương cho gia đình chính sách có công. (Ảnh: MH) |