Thứ Hai, 18 tháng 7, 2022

Đoàn Thanh niên thăm lực lượng tham gia chống dịch

 Ngày 11/8/2021, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Phường 27 tổ chức đi thăm, tặng quà các tình nguyện viên tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Đồng chí Trần Thu Thảo, Bí thư Đoàn phường gửi lời hỏi thăm, chia sẻ những khó khăn, vất vả và động viên tinh thần các tình nguyện viên đang thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19; mong các đồng chí giữ gìn sức khỏe, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Đây là hoạt động thiết thực nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ cùng chung tay, đồng hành với các ngành, các cấp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.                   

 K. HUYỀN


Đại diện Đoàn Thanh niên Phường 27 trao quà cho các tình nguyện viên. (Ảnh: TL)
Đại diện Đoàn Thanh niên Phường 27 trao quà cho các tình nguyện viên. (Ảnh: TL)



Các phường chăm lo lực lượng tuyến đầu

 Ngày 24/8/2021, Đảng ủy, UBND, UBMTTQ Việt Nam Phường 7 đến thăm, động viên đội ngũ y, bác sĩ Trạm y tế, lực lượng y bác sĩ Học viện Quân y về hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 như lấy mẫu xét nghiệm; thăm khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường; quản lý chăm sóc các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại nhà, phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao.

Lãnh đạo phường đã ân cần thăm hỏi về điều kiện sinh hoạt, nghỉ ngơi và dặn dò, động viên tinh thần, mong muốn các y, bác sĩ luôn phát huy tinh thần xung kích, đảm trách tốt vai trò của các y, bác sĩ, mang y đức, phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ” cùng với địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cũng kịp thời động viên các Tổ test nhanh lưu động của phường không kể mưa nắng, giờ giấc thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu tại cộng đồng, mong chung tay chiến thắng đại dịch Covid-19.

Dịp này, lãnh đạo phường trao tặng nhu yếu phẩm, bánh trái, khẩu trang N95 để các y bác sĩ yên tâm thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.


Lãnh đạo Phường 7 động viên lực lượng y bác sĩ Học viện Quân y. (Ảnh: AH)
Lãnh đạo Phường 7 động viên lực lượng y bác sĩ Học viện Quân y. (Ảnh: AH)


    Lãnh đạo Phường 28 tặng quà cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch trên địa bàn phường. (Ảnh: PV)
    Lãnh đạo Phường 28 tặng quà cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch trên địa bàn phường. (Ảnh: PV)
  • Ngày 07/8/2021, Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 28, do đồng chí Trần Đức Tuệ, Bí thư Đảng ủy phường làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà động viên các lực lượng đang tham gia phòng, chống Covid-19 trên địa bàn.

Đồng chí Trần Đức Tuệ đã ân cần thăm hỏi và biểu dương những nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế và các lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời tin tưởng, các lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đồng chí cũng đề nghị mỗi người cần đảm bảo tốt các yêu cầu trong phòng chống dịch như: đo thân nhiệt, khai báo y tế; căn cứ vào tình hình thực tế để thực hiện nghiêm kiểm soát người, phương tiện đi qua địa bàn phường.

AK - PHƯƠNG VÕ

Tình người trong đại dịch

  •  Lãnh đạo quận thăm, động viên và chia buồn gia đình Bảo vệ dân phố tử vong do dịch Covid-19

Ngày 12/8/2021 đồng chí Vũ Ngọc Tuất, Bí thư Quận ủy dẫn đầu đoàn lãnh đạo quận đến thăm, động viên và chia buồn gia đình anh Đinh Chánh Định, thành viên Tổ bảo vệ dân phố khu phố 5, Phường 22 không may bị tử vong do nhiễm Covid-19 trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch mặc dù đã được đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện quận Bình Thạnh tận tình chăm sóc, cứu chữa. 

Đồng chí Bí thư Quận ủy ân cần hỏi thăm, chia sẻ và gửi lời chia buồn sâu sắc với sự mất mát to lớn đến người thân của đồng chí Đinh Chánh Định và động viên gia đình sớm vượt qua mất mát, giữ sức khỏe, sớm ổn định tinh thần.


Đồng chí Vũ Ngọc Tuất thăm hỏi, tặng quà, chia sẻ và gửi lời chia buồn đến gia đình anh Đinh Chánh Định. (Ảnh: PL)
Đồng chí Vũ Ngọc Tuất thăm hỏi, tặng quà, chia sẻ và gửi lời chia buồn đến gia đình anh Đinh Chánh Định. (Ảnh: PL)


Dịp này, đại diện đoàn trao tặng số tiền 10 triệu đồng hỗ trợ gia đình anh Đinh Chánh Định. Đồng thời, Công an quận và phường vận động trao 12 triệu đồng, 50 kg gạo và một số nhu yếu phẩm thiết yếu để ổn định cuộc sống và lo toàn bộ chi phí hậu sự.

PHÁT LỢI


  • Cải thiện bữa ăn cho người lao động trong đại dịch Covid-19
Ngày 13/8/2021, Liên đoàn Lao động quận tổ chức chương trình hỗ trợ cá cho đoàn viên, người lao động đang phải áp dụng các biện pháp cách ly và bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” trên địa bàn quận. 
Tham dự có các đồng chí Nguyễn Mai Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Liên đoàn Lao động Thành phố; Cao Hồng Hà, QUV, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận.
Số cá này được vận chuyển trong đêm 12/8 từ tỉnh Quảng Bình vào. Đây là tình cảm quý báu của đồng bào ngư dân mong muốn góp phần cải thiện bữa ăn hằng ngày cho đoàn viên, người lao động trong đợt cao điểm chống dịch Covid-19. Đồng thời cũng nhằm hỗ trợ cho bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, người lao động không bị mất việc làm, có thu nhập để ổn định đời sống.

Đồng chí Vũ Hữu Phú, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận trao cá cho người lao động tại các điểm phong tỏa, cách ly trên địa bàn. (Ảnh: N. Thiện)
Đồng chí Vũ Hữu Phú, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận trao cá cho người lao động tại
các điểm phong tỏa, cách ly trên địa bàn
. (Ảnh: N. Thiện)



Dịp này, Liên đoàn Lao động quận tổ chức 2 đoàn đến thăm hỏi, trao tặng 500 kg cá cho bếp ăn tập thể tại Công ty cổ phần Văn hóa Văn Lang, Công ty TNHH Alpha Việt Nam và đoàn viên, người lao động trên địa bàn Phường 5, 17, 21, 25.       
NGỌC THIỆN

  • Đi chợ giúp người dân
Ngày 15/8/2021, UBND quận triển khai các phương án đi chợ giúp dân trong thời gian siết chặt giãn cách xã hội (từ 15/8 đến 15/9/2021).
Tại 20 phường của quận có tổng cộng 150.698 hộ, với khoảng trên 499.300 người dân. Nhu cầu đi chợ hộ trong 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội là 75.313 hộ. Mỗi một ngày người dân trên địa bàn quận đăng ký 6.453 đơn hàng. Quận có 5 siêu thị và 90 cửa hàng tiện lợi, những đơn vị này xây dựng các gói sản phẩm theo các nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hàng tiêu dùng thiết yếu để cung cấp đến người dân. Hội Liên hiệp Phụ nữ các phường đảm nhận việc đi chợ hộ, người dân chỉ cần đăng ký thông qua các đường link, Zalo, phiếu đặt hàng... sẽ được lực lượng tại phường giao hàng đến tận nhà.
Qua đó, hạn chế tối đa số lượng người dân ra khỏi nơi cư trú, thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội. Đồng thời chăm lo tốt cho đời sống người dân, tận dụng thời gian vàng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, phấn đấu sớm kiểm soát được dịch trên địa bàn quận.                                                             
 MH

  • Triển khai trạm “ATM ô-xy” hỗ trợ người bệnh
Trước tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh dẫn đến các bệnh viện điều trị bị quá tải. Các ca F0, F1 đang thực hiện cách ly tại nhà không thể đem bình ô-xy đi đổi, tài xế giao hàng công nghệ hạn chế, xe tải của các trung tâm sang chiết ô-xy cũng đã quá tải và nhiều đơn vị đầu cơ đẩy giá bình lên 4 - 5 triệu đồng/bình 8 lít khiến nguồn cung khan hiếm.
Trong tình huống bức bách, thực hiện chỉ đạo của Thành đoàn TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, thời gian qua, Quận Đoàn Bình Thạnh tích cực triển khai hoạt động trạm “ATM ô-xy” và hỗ trợ ô-xy tận nhà gắn với thông điệp “Trao ô-xy - nối dài sự sống”. Khi gia đình bệnh nhân hoặc người bệnh mắc Covid-19 cần máy ô-xy, bình ô-xy, hãy liên hệ ngay số hotline 08.1934.1900 tổng đài kết nối 22 Quận - Huyện và Thành phố Thủ Đức bằng 2 cách: gọi trực tiếp đến tổng đài và bấm phím kết nối tương ứng từ tổng đài cấp quận Bình Thạnh là số 114 hoặc gọi trực tiếp số điện thoại Hotline của Quận Đoàn Bình Thạnh 0827.362.512.

 
Các bạn đoàn viên, thanh niên trao bình ô-xy tại nhà cho người dân. (Ảnh: PL)
Các bạn đoàn viên, thanh niên trao bình ô-xy tại nhà cho người dân. (Ảnh: PL)



Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, các tình nguyện viên nhanh chóng vận chuyển bình ô-xy bằng xe máy đến tận nhà. Với người chưa có bình ô-xy và gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì “ATM ô-xy” sẽ cho mượn miễn phí. Trạm “ATM ô-xy” được đặt tại số 114 Lê Văn Duyệt, Phường 1, hoạt động 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần. Trung bình hằng ngày tiếp nhận từ 4 đến 6 trường hợp, trong đó hỗ trợ đổi bình tại nhà, mượn khoảng 3 trường hợp/ngày; có ngày cao điểm lên đến từ 8 đến 10 bình. Tính đến ngày 19/8/2021 đội hình đã hỗ trợ và giúp cho trên 60 trường hợp.
Trong quá trình vận hành đều có thành viên trực điện thoại đường dây nóng “ATM ô-xy”. Đồng thời, phân công phối hợp với đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh các phường thực hiện tốt các khâu vận hành, lưu trữ, bảo quản, di chuyển, lắp đặt, hỗ trợ cho người dân một cách hiệu quả nhất. Qua đó tránh được những trường hợp đáng tiếc xảy ra, góp phần giảm số lượng ca nặng và tử vong.
               PHÁT LỢI

  • Dùng xe chuyên dụng chở thai phụ đến bệnh viện
Khoảng 23 giờ 40 ngày 29/8/2021, lực lượng CSGT Công an quận Bình Thạnh đang làm nhiệm vụ trực chốt kiểm soát Covid-19 tại giao lộ Điện Biên Phủ - Nguyễn Văn Thương đã kịp thời đưa sản phụ N.V.T nhập viện sinh con trong tình trạng chuyển dạ. 
Theo ghi nhận, đại úy Phạm Thanh Bình (tổ trưởng CSGT-TT Công an quận Bình Thạnh) trong lúc đang làm nhiệm vụ tại khu vực này phát hiện một nam thanh niên chở một phụ nữ mang thai di chuyển trên đường có biểu hiện khó nhọc, không thể ngồi xe máy. Nhạy bén trong xử lý tình huống, đồng chí Phạm Thanh Bình cùng tổ công tác do Trung tá Trần Huy Hoàng (Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an quận) và Trung tá Đoàn Trọng Bộ nhanh chóng phối hợp đưa thai phụ lên xe bán tải chuyên dụng vào Bệnh viện nhân dân Gia Định. 
Do được đưa đến kịp thời chị T. được đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện nhân dân Gia Định cấp cứu kịp thời và sinh con an toàn. Hành động kịp thời giúp dân trong cơn nguy cấp của các anh được chị T. và gia đình vô cùng cảm kích.                                       
   NY

  • Chăm lo hộ dân khó khăn, giảm tiền thuê nhà trọ
Từ ngày 27/7 đến 27/8/2021, UBMTTQ Việt Nam và các đoàn thể Phường 5 phối hợp chăm lo các hộ dân khó khăn do bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và người dân trong khu phong tỏa.

Trong vòng 30 ngày, phường tổ chức chăm lo 2.379 phần quà với tổng số tiền trên 550 triệu đồng; 6.115 phần cơm, điểm tâm và nước uống; 2,1 tấn rau củ quả, 8,6 tấn gạo, trên 800 ổ bánh mì, gần 230 kg cá… Nguồn kinh phí trích từ nguồn vận động hỗ trợ của mạnh thường quân.
Qua đó, giúp người dân đảm bảo cuộc sống, yên tâm chấp hành việc cách ly theo quy định.
  • Trong khoảng thời gian từ 10/8 đến 01/9/2021, UBND, UBMTTQ Việt Namcác đoàn thể Phường 5 phối hợp vận động được 60 chủ nhà trọ trên địa bàn giảm giá 183 phòng trọ trong 2 tháng (giảm từ 50 đến 60%) với tổng số tiền trên 170 triệu đồng.
Qua đó, giúp người lao động thu nhập thấp bớt chật vật khi phải thuê nhà trọ trong thời gian giãn cách xã hội và ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.      
MH
  • Hỗ trợ phần ăn người neo đơn, tặng quà hộ thuê trọ
Trong các ngày từ 27/7 đến 27/8/2021, UBMTTQ Việt Nam, Hội LHPN Phường 5 phối hợp hỗ trợ trên 170 phần ăn cho 10 hộ gia đình trên địa bàn phường có hoàn cảnh neo đơn, không tự nấu ăn được.
Ngoài ra, còn chăm lo gần 400 phần ăn sáng cho người dân trong các điểm phong tỏa của phường.
  • Ngày 12/8/2021, Hội Chữ thập đỏ Phường 19 phối hợp Tịnh xá Trung tâm đến thăm, tặng quà 65 hộ thuê ở trọ. 
Đây là hoạt động thiết thực, giúp người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vượt qua khó khăn chung tay cùng quận nhà và Thành phố đẩy lùi dịch bệnh.

P. AN - MH
  • Đội hình tình nguyện mua thuốc giúp dân
Ngày 23/8/2021, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Phường 21 tổ chức đội hình tình nguyện mua thuốc giúp dân.

Đoàn viên Phường 21 tham gia mua thuốc giúp dân. (Ảnh: Tiến Đức)
Đoàn viên Phường 21 tham gia mua thuốc giúp dân. (Ảnh: Tiến Đức)



Đội hình có 3 đoàn viên đảm nhiệm, thực hiện đến ngày 15/9. Khi có nhu cầu, người dân chỉ cần gọi điện thoại hoặc quét mã QR gửi đơn thuốc sẽ có người hỗ trợ kịp thời. Tính đến ngày 01/9, đội hình này đã tiếp nhận và giao trên 50 đơn thuốc. Mỗi đơn trị giá từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.      
  P. AN
  • Trao quà người dân có hoàn cảnh khó khăn, thuê trọ
Ngày 14/8/2021, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Phường 26 tổ chức trao trên 100 phần quà và 200 suất cơm cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở các khu vực phong tỏa. Tổng chi phí hơn 10 triệu đồng do Quận Đoàn hỗ trợ. 
Qua đó nhằm chia sẻ, động viên người dân vượt qua thời điểm khó khăn vì dịch Covid-19.

Đoàn Phường 26 trao quà cho các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn. (Ảnh: TL)
Đoàn Phường 26 trao quà cho các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn. (Ảnh: TL)


  • Trước đó, ngày 09/8/2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 27 tổ chức trao quà các hộ dân dân thuê trọ, hộ khó khăn đột xuất bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn phường.
Có 100 phần quà, mỗi phần trị giá trên 150.000 đồng, gồm (gạo, rau củ, dầu ăn, vitamin C) được địa phương trao tận tay người nhận. Tổng chi phí trên 15 triệu đồng do Mặt trận Tổ quốc phường vận động từ các nhà hảo tâm, mạnh thường quân.
Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, góp phần chia sẻ, hỗ trợ kịp thời đối với những hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đồng thời, tích cực góp phần chung tay cùng chính quyền trong công tác phòng chống, đẩy lùi dịch  bệnh Covid-19.

MD - K. HUYỀN

Túi an sinh đến với người dân “Xóm rác”

 Anh Hoàng

Cảnh khổ ở “Xóm rác”

Dừng xe trước một con hẻm nhỏ, ông Phạm Ngọc Cần, Phó Bí thư Đảng ủy Phường 11 cùng các tình nguyện viên xách theo những phần quà tiến vào bên trong “xóm rác”. Đã từ lâu, người dân quen gọi khu họ sinh sống là “xóm rác” vì trước đây, nơi này là một bãi rác lớn. Cũng vì đa số người dân ngụ ở nơi này đều gắn bó với nghề nhặt rác, quét rác, thu gom rác… từ nhiều năm nay.


Tổ công tác len lỏi trong từng con hẻm, trao quà trực tiếp đến những gia đình đang cần giúp đỡ. (Ảnh: AH)
Tổ công tác len lỏi trong từng con hẻm, trao quà trực tiếp đến những gia đình đang cần giúp đỡ. (Ảnh: AH)

Đứng trước cánh cửa đã gỉ sét, ông Ngọc Cần cất tiếng hỏi thăm: “Cô Nguyễn Thị Tuyết có ở nhà không ạ? Cô đeo khẩu trang ra nhận quà của phường giùm con nhé, cô ơi!”.

“Dạ có! - một giọng nói trong nhà vọng ra lập tức. Hơn chục giây sau đó, một người phụ nữ trung niên bước ra, mở cánh cửa với niềm hân hoan, vui mừng.

Đón nhận 2 túi thực phẩm từ tay ông Cần, người phụ nữ xúc động bật khóc và liên tục cảm ơn trong khi bàn tay nhăn nheo, đen nhẻm vì lao động vất vả không ngừng quẹt nước mắt. Cô nghẹn ngào cho biết “Từ ngày giãn cách tới nay, được phát phiếu đi chợ nhưng chưa đi một lần nào, bởi nhà cô không có tiền để mua. Ăn uống phải tằn tiện từng miếng. Nay được phường giúp đỡ mừng quá!”.

Cô cùng chồng làm nghề gom rác mướn đã mấy chục năm nay. Năm trước, chồng cô không may mắc căn bệnh suy tim, không còn khả năng lao động. Từ đó, gia đình càng ngày càng khó khăn khi thu nhập của cô mỗi tháng chỉ vỏn vẹn 5 triệu đồng. Con gái làm nhân viên bán hàng ở siêu thị cũng gắng đỡ đần được phần nào chi tiêu và lo được tiền học cho cậu em trai đang học trung học phổ thông. Nếu cứ như vậy, gia đình cô Tuyết dù vất vả nhưng vẫn có thể “ăn no, ngủ ấm” mỗi ngày. Nhưng dịch bệnh ập đến...

Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu chuỗi ngày giãn cách dài đằng đẵng. Con gái của cô Tuyết cũng thất nghiệp. Giờ đây, tiền thuốc thang của chồng mỗi tháng 3, 4 triệu đồng, cùng miếng ăn cho cả nhà chỉ có thể dựa vào đồ ve chai mà cô gom được mỗi ngày. Với 2 túi quà địa phương gửi tặng, gồm: Gạo, rau củ tươi cùng một số nhu yếu phẩm... giống như “chiếc phao cứu sinh” giúp gia đình cô phần nào vượt qua những ngày gian khó phía trước.

Quà phải đến đúng nơi, hỗ trợ đúng người

Rời nhà cô Nguyễn Thị Tuyết, ông Cần cùng tổ thanh niên tình nguyện tiếp tục đi gõ cửa để trao yêu thương cho những hộ khó khăn khác.

Trong một con hẻm khác cũng ở “xóm rác”, ông Cần tìm đến chiếc lều nhỏ, nơi anh Hoàng Châu Hải (50 tuổi) đang ở. Gọi là lều cũng chẳng đúng mà chính xác hơn chỉ là một mái che được dựng dựa vào vách tường, xung quanh có nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh. Đây là nơi anh trú mưa, tránh nắng suốt bao năm qua.

Theo người dân tại đây, anh Hải mắc bệnh tai biến đã lâu, từng ở chung với gia đình trong xóm này. Nhưng nhiều năm trước, gia đình anh gặp biến cố, quá khó khăn phải bán nhà rời đi hết. Người đàn ông này từ đó rơi vào cảnh “tứ cố vô thân”, mang bệnh tật lang thang chẳng có nơi nương tựa. Thấy vậy, hàng xóm gom góp mỗi người một ít để dựng cho anh chiếc mái che làm chỗ trú ngụ. Mỗi ngày, mọi người thay nhau mang đồ ăn đến cho anh, ai có rau cho rau, ai có gạo cho gạo. Cứ như thế, anh sống được nhờ sự che chở của tình làng nghĩa xóm suốt nhiều năm qua.


Những phần quà nghĩa tình được trao tận tay anh Hải ngay dưới tấm mái che xập xệ. (Ảnh: AH)
Những phần quà nghĩa tình được trao tận tay anh Hải ngay dưới tấm mái che xập xệ. (Ảnh: AH)


Thế rồi dịch bệnh ập đến, người dân “xóm rác” còn khó khăn hơn, thiếu thốn đủ đường nên đôi lúc chẳng ai có dư mà giúp đỡ cho người đàn ông khốn khổ này. Anh Hải đã không ít lần nằm co ro trên tấm ván gỗ cố nhịn cho qua ngày và cầu mong may mắn được bữa cơm lót lòng. Hôm nay nhận được phần quà từ chính quyền địa phương, anh vui lắm, cứ cảm ơn liên tục. Những người hàng xóm của anh cũng ghé mắt nhìn qua khung cửa, lớn tiếng chúc mừng và vui thay cho người đàn ông này.

Gửi tâm huyết vào từng phần quà nghĩa tình

Nhiều tháng trước, ngay khi dịch bệnh bùng phát, Phường 11, quận Bình Thạnh đã có nhiều chương trình tặng quà hỗ trợ người dân trên địa bàn.

Khi TPHCM bắt đầu giãn cách xã hội, lãnh đạo phường không mời bà con lên trụ sở nhận quà để tránh tập trung đông người. Thay vào đó, địa phương tổ chức các đoàn mang quà đến từng hộ dân. Hơn 2 tháng vừa qua, hầu như ngày nào cán bộ phường cũng thay nhau đi trao quà. Số lượng mỗi ngày dao động từ vài chục đến vài trăm phần, tùy theo nguồn cung từ quận, thành phố hoặc các mạnh thường quân gửi về.

Cô Nguyễn Thị Kim Hoa (54 tuổi) vui mừng khi nhận phần quà từ chính quyền địa phương. (Ảnh: AH)
Cô Nguyễn Thị Kim Hoa (54 tuổi) vui mừng khi nhận phần quà từ chính quyền địa phương. (Ảnh: AH)


Ngồi bên đống rau muống, chị Chế Ngọc Thủy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, cẩn thận nhặt, lựa ra từng cọng rau xanh để gửi đến người dân. Từ lúc dịch bệnh bắt đầu bùng phát, phường tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ cộng đồng chẳng có lúc nào chị Thủy vắng mặt. Chị phụ trách việc chọn lọc lại và phân chia rau củ quả được tặng.

Chị Chế Ngọc Thủy ngồi lựa rau muống để gửi tặng người dân. (Ảnh: AH)
Chị Chế Ngọc Thủy ngồi lựa rau muống để gửi tặng người dân. (Ảnh: AH)


Theo chị Thủy, các loại rau củ được các nhà tài trợ gửi về thường phải đi đường dài, mất nhiều ngày mới đến nơi nên ít nhiều bị hư hao. Chị vận động mọi người cùng tới góp sức chọn lựa, rửa sạch lại tất cả để đảm bảo chất lượng, tươi ngon khi gửi đến người dân. Riêng những món bị hư nhiều, chị cố gắng lọc lại để chia cho chị em trong khu phố. Chị Thủy chia sẻ “Đó là tấm lòng, là tiền của, công sức của mạnh thường quân nên phải thật trân quý, phải tận dụng triệt để. Lúc này nhiều người không có cái để ăn, nếu mình may mắn có thì không được bỏ phí dù chỉ một chút”.

Theo ông Phạm Ngọc Cần, số lượng các hộ khó khăn ở địa phương mỗi ngày lại tăng lên nhiều hơn theo thời gian, nhiều người thất nghiệp, không có thu nhập. Nhiều gia đình trước đây vốn ổn, nhưng giãn cách lâu, khiến số tiền dành dụm cạn dần, rồi cũng rơi vào khó khăn. Ông cũng cho biết “Chính quyền địa phương sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để chăm lo đời sống người dân được tốt hơn, để không ai bị bỏ sót lại phía sau trong lúc khó khăn này”.

Nữ cán bộ Đoàn thanh niên xung kích trên tuyến đầu phòng chống dịch bệnh

Thuận Phan 

Đó là bạn Lê Thị Yến Nhi, Phó Bí thư Chi đoàn khu phố 1, Phường 22.

Trước đây công việc chính của Yến Nhi là kỹ thuật viên tại Charme Spa. Do dịch Covid-19 nên phải tạm nghỉ. Những đợt dịch trước, khi thấy Thành phố đang “bị bệnh”, bản thân với vai trò là Phó Bí thư Chi đoàn, Yến Nhi rất mong muốn được tham gia chống dịch, nhưng những lần ấy chỉ có những người trong ngành y mới được tiếp nhận. Đến khi đợt dịch thứ 4 xảy ra (khoảng đầu tháng 6/2021) nhận thông tin từ Bí thư Đoàn phường, thế là bạn đăng ký tham gia ngay. Công việc Yến Nhi được phân công là hỗ trợ trao quà cho các hộ đang bị cách ly, hộ khó khăn trên địa bàn và điều phối lấy mẫu tầm soát, nhập liệu, trực chốt kiểm soát... Tuy nhiên, khi biết Ban Chỉ huy Quân sự quận tuyển lực lượng tình nguyện tham gia công tác tại các bệnh viện dã chiến, Yến Nhi không ngần ngại đăng ký ngay với Ban Chỉ huy Quân sự phường với mong muốn được tham gia hỗ trợ người bệnh chiến đấu giành lại sự sống. Em xin ý kiến gia đình nhưng bị mẹ ngăn cản. Yến Nhi kiên trì vừa khóc phân tích, bởi bản thân rất muốn đóng góp một chút sức trẻ của mình cho cộng đồng, muốn hỗ trợ bà con mình bằng những việc có thể làm được. Em nói rằng “Nếu ai cũng sợ dịch thì lấy ai chống dịch, khi Thành phố đang “bị bệnh” rất cần những người trẻ như chúng con chung sức để có thể bảo vệ nơi này. Mẹ yên tâm, con phải bảo vệ bản thân thật tốt mới có thể bảo vệ cho mọi người”. Thấy sự quyết tâm của Yến Nhi, mẹ em cũng hiểu nhưng vẫn rất lo lắng, bà lặng lẽ chuẩn bị vật dụng cho con gái lên đường. Trước khi vào nơi nguy hiểm, Yến Nhi cũng gợn chút buồn và thương mẹ, bởi suốt bao năm qua chưa xa mẹ ngày nào, nhưng em xác định đã quyết tâm làm việc đúng đắn thì không hối hận. Em nói với mẹ khi nào hết giãn cách xã hội thì về nhưng thật ra phải thực hiện nhiệm vụ tới khi hết dịch. Trong lòng Yến Nhi nghĩ con đã nói dối mẹ rồi, đến khi hết dịch con sẽ về tạ lỗi với mẹ sau!.

Lê Thị Yến Nhi trực chốt tại ngã tư Phú Mỹ - Ngô Tất Tố. (Ảnh: T. Phan)
Lê Thị Yến Nhi trực chốt tại ngã tư Phú Mỹ - Ngô Tất Tố. (Ảnh: T. Phan)

Sáng 25/7/2021, Yến Nhi được điều động đến bệnh viện dã chiến thu dung số 1 tại Thành phố Thủ Đức. Em được phân công nhập liệu và hậu cần, thế mà tới lúc trưa lại nhận được lệnh điều động quay trở về quận nhà. Khi biết tin em trở về, gia đình, bạn bè đều mừng vui, riêng Yến Nhi rất buồn vì đã chuẩn bị rất nhiều thứ cho chuyến đi, nhưng không như mong muốn. Đến chiều 27/7, em nhận được lệnh tham gia hỗ trợ các khu cách ly tập trung tại quận Bình Thạnh. Một lần nữa Yến Nhi lập tức thu dọn hành trang đến ngay Trung tâm Y tế quận để lấy mẫu xét nghiệm bản thân và nhanh chóng hòa nhập vào đơn vị mới. Tại đây, các chiến sĩ tình nguyện đều là nam, chỉ có Yến Nhi và một bạn nữa là nữ. Một cán bộ phụ trách cũng hỏi có ngại, có sợ cực không khi ở đây đa số là nam. Yến Nhi thẳng thắn trả lời “Em không ngại, cũng không sợ cực, nếu sợ em đã không đăng ký tình nguyện tham gia!”. Ngay đó, Yến Nhi cùng một số chiến sĩ dân quân được phân công về Trường Tiểu học Thanh Đa. Tại đây, có nhiều khó khăn chỉ có 1 bác sĩ và 2 chiến sĩ dân quân nhưng phải hỗ trợ đến 204 người. Mỗi ngày, bắt đầu công việc từ 6 giờ, vệ sinh dọn dẹp khu ở, 7 giờ nhận thức ăn sáng, Yến Nhi cùng các bạn chuyển đến người cách ly, 9 giờ thay phiên nhau vận chuyển hàng hóa của người nhà hoặc nhân viên giao hàng gửi đến. Sau đó, đi gom rác thải, dọn dẹp và phun khử khuẩn 3 lần/ngày, 12 giờ tiếp tục gửi các suất ăn cho người cách ly, 13 giờ 30 dọn vệ sinh. Đến lúc này Yến Nhi và những người thực hiên nhiệm vụ mới được dùng cơm trưa. Sau ít phút nghỉ ngơi, tiếp tục công việc nhập liệu và tiếp nhận hàng hóa vật dụng từ bên ngoài gửi vào cho đến lúc phục vụ bữa cơm chiều. Đêm về, các bạn phân công nhau trực, vì thế có đêm ngủ chỉ được vài ba tiếng đồng hồ. Vậy mà những khó khăn, vất vả ấy không làm Yến Nhi chùn bước còn giúp em quyết tâm hơn, mạnh mẽ hơn khi được chăm sóc bà con từ miếng ăn đến giấc ngủ. 

Điều làm Yến Nhi luôn xúc động là khi phải khoác lên mình bộ đồ bảo hộ nóng bức, em lại thương các bác sĩ, nhân viên y tế và các chiến sĩ tình nguyện vô cùng. Vì thế, Yến Nhi xác định phải nỗ lực cống hiến hết sức mình cho quận nhà và Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu để sớm vượt qua đại dịch, trả lại sự yên bình, hạnh phúc cho mọi người.

Người cán bộ Chữ thập đỏ quyết tâm giữ vững vùng xanh

  Mỹ Dung

 Trước tình hình dịch Covid-19 có nhiều diễn biến khó lường, cùng với việc thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống; việc thiết lập các “vùng xanh” tự quản an toàn được xem là một trong những “chìa khóa” để quận nhà nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung sớm được kiểm soát và nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. 

Với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch Covid-19, anh Lê Công Toại, Tổ trưởng tổ dân phố 95, Chi hội trưởng Chữ thập đỏ khu phố 5, Phường 25 là một trong những gương điển hình của phong trào lập chốt “bảo vệ vùng xanh” phòng chống Covid-19 tại hẻm 886 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Cư dân sinh sống tại đây có trên 100 hộ, mọi người đều rất an tâm khi ngay trước hẻm là chốt “bảo vệ vùng xanh”. Ngay từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, với phương châm “phòng hơn chống” chủ động bảo vệ những khu vực không có dịch, anh Toại đứng ra lập chốt bảo vệ này. Để đủ lực lượng giám sát, anh vận động thêm 2 thành viên để cùng anh hằng ngày thay nhau trực chốt 24/24. Việc lập chốt này nhận được sự đồng tình ủng hộ của tất cả người dân sinh sống nơi đây. Mọi người đều tự nguyện thực hiện nghiêm các quy định nhằm bảo vệ khu dân cư mình sinh sống với phương châm “mỗi gia đình, mỗi khu dân cư là một pháo đài chống dịch”. Việc kiểm soát “vùng xanh” được thực hiện theo nguyên tắc “Giữ chặt, kiểm soát nghiêm”, các hộ gia đình chỉ có một lối đi duy nhất và phải tuân thủ quy định 5K, những người vận chuyển hàng hóa chỉ được giao hàng tại ngay đầu chốt. Chính nhờ có những quy định cụ thể và ý thức chấp hành nghiêm của cư dân, đến thời điểm hiện nay hẻm 886 vẫn là tuyến hẻm tương đối an toàn của người dân nơi đây.

Anh Lê Công Toại trực chốt bảo vệ vùng xanh. (Ảnh: HĐ)

Anh Lê Công Toại trực chốt bảo vệ vùng xanh. (Ảnh: HĐ)

Anh Toại chia sẻ: “Khi lập chốt, tập thể người dân ở đây đều đồng thuận và vui mừng. Mọi người biết rõ việc lập “chốt bảo vệ vùng xanh” sẽ giúp hạn chế sự lây lan dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Hẻm chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và siết chặt việc trực chốt với quyết tâm không để dịch xâm nhập”.

Hiện nay trên địa bàn quận Bình Thạnh đã có gần 200 chốt “bảo vệ vùng xanh” được thiết lập, hoạt động có hiệu quả và đang tiếp tục được nhân rộng. Đây được xem là một trong những giải pháp căn bản nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, tiến tới trở thành địa bàn an toàn. 

Sáng ngày 05/8/2021, đồng chí Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng trong dịp kiểm tra công tác phòng chống dịch, tặng quà cho người dân tại các “vùng xanh” trên địa bàn quận Bình Thạnh, anh Toại đã vinh dự được lãnh đạo Thành phố trao quà, thăm hỏi, động viên. 

Chị Trần Thị Kim Phượng, cư dân sống tại hẻm 886 cũng tham gia trực chốt chia sẻ: “Tham gia trực chốt là để bảo vệ sự an toàn cho gia đình và bà con lối xóm. Việc lập chốt của anh Toại là một cách làm rất hay, được người dân trong hẻm hết sức hưởng ứng”.

Có thể thấy, giữa đại dịch Covid-19, những mô hình “vùng xanh” tự quản không chỉ thể hiện sự chủ động mà còn giúp lan tỏa những thông điệp ý nghĩa về tinh thần đoàn kết, sức mạnh cộng đồng trong phòng, chống dịch. Qua đó càng nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi gia đình đối với xã hội, là điều kiện để mọi công dân cùng chung sức đồng lòng ngăn chặn và chiến thắng dịch bệnh. Mô hình “vùng xanh” cũng giúp giảm tải áp lực cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Đồng thời giúp ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào những vùng chưa có dịch, là cơ sở để từng bước mở rộng những khu vực an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng nhanh chóng đẩy lùi được dịch bệnh, đem lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

Chiến đấu đến cùng để giành lại sự sống

 Nội dung dưới đây được trích từ nhật ký những ngày bị nhiễm Covid-19 của cô Đ.T.N, sinh năm 1953, ngụ tại Phường 22, quận Bình Thạnh.

Có nằm mơ tôi cũng không bao giờ nghĩ là mình bị dương tính với Covid-19, vì 3 tháng gần đây tôi chỉ ở trong nhà và không đi đâu cả. Duy nhất vào ngày 05/8/2021 khi các con đều bận làm việc Online, tôi tự mình ra siêu thị mua đồ ăn. Thế nhưng, 5 ngày sau đó, tôi đau đầu, chóng mặt quay cuồng, không tự mình lấy được vỉ thuốc ngay trên đầu giường. Chuyện gì xảy ra thế này? Thầm nghĩ đã mấy năm nay mình không còn bị bệnh rối loạn tiền đình nữa. Gắng ngồi dậy, tôi bị ói và rất mệt. Trận chiến bắt đầu từ đây. Ngày 11/8/2021, tôi bắt đầu sốt 39◦, ăn gì cũng ói, rất mệt và đau khắp người như vừa bị ai đánh. Tôi bắt đầu nghi ngờ mình bị nhiễm Covid-19, mặc dù đã được tiêm vắc xin mũi thứ nhất.

Ngày hôm sau các con đưa tôi đến bệnh viện xét nghiệm. Tuy hoang mang nhưng vẫn hy vọng mình không bị nhiễm Covid-19. Thế rồi, ngay chiều hôm đó, bệnh viện gọi điện báo tin tôi bị dương tính. Lúc ấy tôi lo lắng tột cùng, bởi bản thân bị bệnh đái tháo đường và tim mạch, nhà còn hai cháu rất nhỏ. Cả nhà tiếp tục tiến hành xét nghiệm nhanh, rất may cả con trai, dâu và các cháu đều âm tính. Sau một hồi trấn tĩnh, các con tôi thống nhất đưa hai cháu nhỏ sang căn nhà trống mà khách hàng vừa trả lại tháng trước, nhờ ông bà ngoại đến chăm giúp. Đồng thời khai báo y tế và xin chính quyền được cách ly, chữa trị tại nhà. Gia đình cấp tốc trang bị bình ô-xy, máy đo huyết áp, nhiệt kế, máy đo Sp02…

Những ngày sau đó, tôi sốt đi, sốt lại, đau đầu, đau cơ đến không tả nổi. Hằng đêm không sao ngủ được, mệt quá, tưởng như không còn hy vọng nữa. Nhưng nhờ các bác sĩ tận tình tư vấn, hướng dẫn và sự động viên của con cháu, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Mỗi ngày ngoài đơn thuốc của bác sĩ kê, tôi kết hợp súc họng và rửa mũi, tập các động tác hít thở… dù miệng đắng nghét tôi cũng cố gắng chia nhỏ bữa ăn ra nhiều lần để có thể ăn uống đầy đủ. Một tuần sau, ngày 19/8/2021, tôi được y tế phường test nhanh cho kết quả âm tính lần 1. Tuy còn ho nhưng bệnh đã giảm nhiều và qua cơn nguy kịch. Đến ngày 28/8/2021, tiếp tục test nhanh và cũng cho kết quả âm tính lần 2. Và thế là tôi đã dần hồi phục tốt.

Qua cơn thập tử nhất sinh lần này, tôi mới thấy được việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 là rất may mắn. Nhờ đó, mức độ nhiễm Covid-19 của tôi cũng nhẹ hơn và được thần chết từ chối đưa đi. Vì vậy chúng ta hãy tiêm vắc xin phòng Covid-19 khi đến lượt, mỗi người có quyền chọn tiêm vắc xin phòng Covid-19 hoặc không nhưng không thể chọn được việc mình không bị nhiễm Covid-19. Thêm vào đó, luôn tuân thủ thông điệp 5K, giữ gìn vệ sinh nhà cửa. Đặc biệt, đừng bao giờ kỳ thị những người bị F0, vì họ cũng có thể là cha mẹ, anh em và bản thân chúng ta. Chính từ việc chăm sóc, động viên của mọi người đã tiếp thêm sức mạnh để những bệnh nhân F0 như tôi vượt qua thử thách và chiến thắng.

MH

Bài viết nổi bật trong tháng

Thăm Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách có công tiêu biểu

 Ngày 24/7/2024, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM làm trưởng đoàn đến thăm và tặng quà Trung tâm dưỡng lã...

Bài viết phổ biến