Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

Tiếp nối truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”

 

KỶ NIỆM 74  NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27/7/1947 - 27/7/2021)


·        MH

Kể từ Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 16/2/1947 đặt chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ và ngày 27/7/1947 - Ngày Thương binh toàn quốc được mở đầu bằng cuộc mít tinh lớn tổ chức tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đây là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Để đền đáp, tôn vinh sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc, suốt 74 năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã từng bước xây dựng, thực hiện thống nhất một hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với người có công. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng, Nhà nước ta càng đặc biệt quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.                            

Đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được nghiên cứu xây dựng, ban hành tương đối toàn diện, đầy đủ và kịp thời, góp phần cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân. Trên cơ sở các văn bản ban hành, Đảng, Nhà nước ta kịp thời cụ thể hóa và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt hơn nữa công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”.

Lãnh đạo quận thường xuyên thăm hỏi, chăm lo cho các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. (Ảnh NN)
Lãnh đạo quận thường xuyên thăm hỏi, chăm lo cho các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. (Ảnh NN)

Tại quận Bình Thạnh được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quận ủy, UBND quận đã luôn đặc biệt quan tâm thực hiện tốt các chế độ theo quy định của Nhà nước đối với các diện chính sách có công. Trong năm 2020, 85 hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp mai táng phí; 37 hồ sơ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ; 60 hồ sơ chuyển chế độ chính sách đối người có công; 11 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 2 hồ sơ hưởng trợ cấp chế độ tuất thương binh; 46 hồ sơ giải quyết chế độ bảo hiểm y tế; 6 hồ sơ đề nghị cấp lại Bằng Tổ Quốc ghi công; 5 hồ sơ người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân huy chương; 1 hồ sơ hưởng cấp 1 lần theo Quyết định 57; 5 hồ sơ hưởng cấp 1 lần theo Quyết định 62; 2 hồ sơ đề nghị tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba cho gia đình có nhiều liệt sĩ hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; 1 hồ sơ phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bên cạnh đó, cấp 109 và giảm 60 thẻ bảo hiểm y tế đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng. Hoạt động chăm sóc người có công ngày càng phát triển, có sức lan tỏa sâu rộng, được cộng đồng xã hội tích cực hưởng ứng. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được đẩy mạnh, trợ cấp khó khăn đột xuất, cấp kinh phí sửa chữa, xây dựng nhà tình nghĩa; tổ chức đưa 33 người thuộc diện có công cách mạng đi điều dưỡng tại Đà Lạt và Nha Trang. Vào dịp tết Nguyên đán, tổ chức đoàn đến thăm, chúc tết và tặng quà 124 Mẹ Việt Nam Anh hùng (trong đó 10 Mẹ còn sống và thắp nhang cho 114 Mẹ đã mất); thăm, chúc tết và tặng quà cho 100 cụ thuộc diện chính sách đang được phụng dưỡng tại Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè, 200 gia đình chính sách có công tiêu biểu, cán bộ lão thành cách mạng. Trao 19 suất học bổng cho con thương bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích học tập tốt với tổng số tiền 38 triệu đồng.

Những hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” vừa nêu đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình người có công vơi bớt những đau thương, mất mát; làm cho mọi người nhận thức sâu sắc và trân trọng tri ân công lao to lớn của các anh hùng - liệt sĩ và những người có công với nước; biến nhận thức và tình cảm tốt đẹp đó thành hành động thiết thực góp phần thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Các thế hệ người Việt Nam mãi mãi khắc ghi những chiến công hào hùng, sự hy sinh oanh liệt, cống hiến to lớn của đồng bào, chiến sĩ vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã quan tâm

Bài viết nổi bật trong tháng

Thăm Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách có công tiêu biểu

 Ngày 24/7/2024, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM làm trưởng đoàn đến thăm và tặng quà Trung tâm dưỡng lã...

Bài viết phổ biến